Trang

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Du lịch Vĩnh Long

 Cù lao An Bình – Điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Vĩnh Long.


Vĩnh Long nằm ở vị trí trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, giữa con sông Tiền và sông Hậu, được phù sa bồi đắp quanh năm, đất đai màu mỡ, thuận lợi cho ruộng vườn tươi tốt, cây trái phát triển. Với những lợi thế địa lý mà thiên nhiên ưu đãi, Vĩnh Long có nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, thu hút khách du lịch gần xa. Một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn bậc nhất của tỉnh Vĩnh Long là Cù lao An Bình.
 Cù lao An Bình nằm giữa dòng sông Tiền, gồm 4 xã: An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Đồng Phú, thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Đây là phần đất đầu của dải Củ lao Minh đất đai trù phú, màu mỡ, được phù sa bồi đắp, làm cho cây trái xanh tươi một màu bát ngát.

Cù lao là điểm du lịch xanh thu hút khá nhiều du khách bởi những nét văn hóa miệt vườn đặc trưng của vùng sông nước. Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, đến thăm Cù lao, du khách có thể ngồi trên chiếc xuồng nhỏ len lỏi vào trong những vườn cây trái trĩu quả, hai bên bờ là những cây thủy liễu xanh thắm mà người dân địa phương còn có tên gọi là “cây bần”, một loại cây gắn liền với những món ăn dân giả như canh chua bần, bần chấm mắm,… Đến đây, du khách sẽ cảm nhận được cảm giác êm ả, nhẹ nhàng, thoải mái, xua tan đi cái ồn ào,vội vả, tấp nập của chốn phồn hoa đô hội để hưởng thụ cuộc sống yên bình nơi miền quê sông nước.

Du khách có thể rong ruổi theo con nước, ghé tham quan vui chơi tại các nhà vườn, tự tay hái và thưởng thức các loại trái cây như mít, sầu riêng, nhãn, mận, chôm chôm,... và có thể mang về làm quà biếu cho bạn bè, gia đình. Du khách còn có thể ghé thăm trang trai du lịch Vinh Sang, cưởi đà điểu chạy tung tăng trên bãi cát, câu cá sấu, tập đi cầu khỉ, chơi xe trượt cỏ, đi xe đạp dạo quanh đường làng, chèo xuồng bên những dòng kinh, giăng lưới, chài cá hoặc be bờ tát mương bắt cá… Sau đó, du khách có thể tự tay mình chế biến thức ăn, thưởng thức cuộc sống dân dã mộc mạc nơi vùng quê sông nước. Nơi đây, còn có phòng nghỉ phục vụ cho khách nghỉ qua đêm. Vật liệu nhà nghỉ được làm từ gỗ dừa, phòng đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn khách sạn ngay giữa khung cảnh thiên nhiên thuần tuý.

Sau một ngày dạo chơi khắp cù lao, du khách có thể nghỉ ngơi buổi tối tại những nhà vườn theo loại hình du lịch “homestay” như: nhà ông Năm Thành, ông Tám Tiền, ông Ba Lình, vườn ông Ba Hùng, vườn ông Mai Quốc Nam, vườn ông Mười Hưởng, nhà cổ ông Cai Cường... Tại đây, du khách có thể cùng ăn ở và sinh hoạt với những người dân địa phương, được thưởng thức các món ăn đặc trưng của miền sông nước như: cá tai tượng chiên xù, với từng miếng cá được cuốn bánh tráng chung với rau thơm, khế, chuối chát chấm với nước mấm tỏi ớt; món chả giò chiên giòn; cá lóc nướng trui, bánh xèo...


Trượt cỏ Khu du lịch Vinh Sang


Ngoài ra, du khách khi đến với điểm du lịch của Ông Tám Hổ sẽ được tham quan vườn ươm cây giống đặc sản, tìm hiểu quy trình ươm cây giống, chăm sóc cây giống, cũng như phương pháp để tạo cây giống khỏe đạt năng suất cao. Đây là sự kết hợp độc đáo giữa nông nghiệp và hoạt động du lịch. Bên cạnh đó còn được thưởng thức một số loại rượu thuốc được chủ vườn đem ra mời khách như: rượu mít, rượu đào tiên, giúp khỏe mạnh tăng cường sinh lực, tiêu hóa tốt. Rượu mật nhân với tác dụng chửa được nhiều bệnh yếu sinh lý nam, viêm gan do siêu vi rút, đái tháo đường, chứng vô sinh,... Du khách có thể thưởng thức được rượu ngon và trái cây có sẳn từ vườn như mít nghệ cao sản, ổi không hạt, xoài, bưởi,…kết hợp thưởng thức đờn ca tài tử tại vườn.

Du khách có thể đến với Khu du lịch trang trại nuôi trồng thủy sản Mêkông - Đồng Phú. Tại đây, du khách có thể tự câu những con cá tra, cá ngát, cá lăng, cá mè dinh… trong các kinh rạch nhỏ và được hướng dẫn tự chế biến các món ăn đơn giản, giàu chất dinh dưỡng như cá nấu mẳn, cá kho lạt dầm me hay cá ngát nấu canh chua cơm mẻ, lai rai vài ly rượu đế, cùng bè bạn ngắm cầu Mỹ Thuận lúc hoàng hôn. Nơi đây, còn có thể tổ chức các cuộc dã ngoại với các trò chơi hoạt động trên sông nước bằng ca-nô, mô-tô nước, phao chèo, phao chuối... Du khách có thể tự mình câu cá trên sông, với các loài thủy sản nước ngọt vào loại đặc sản của đồng bằng sông Cửu Long như cá ngát, cá bông lau, tôm càng… tạo nên sự thích thú, vui tươi, sảng khoải. Trong tương lai không xa, nơi đây sẽ có resort dành cho du khách ngủ qua đêm và các dịch vụ khác để phục vụ cho du khách đến với cù lao An Bình.

Vườn cây trái Vĩnh Long


Với những nét riêng đặc thù riêng của mình, Cù lao An Bình đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng. Nơi đây tiếp tục sẽ là địa chỉ du lịch hấp dẫn trong trong hành trình khám phá đồng bằng sông Cửu Long của du khách trong thời gian tới. Cù lao An Bình là một địa chỉ du lịch sinh thái sông nước miệt vườn đáng tin cậy khi đến Vĩnh Long.

Du lịch Trà Vinh

Đến với Trà Vinh du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của hơn 140 ngôi chùa của cộng đồng người Khmer, bên cạnh 50 ngôi chùa của người Việt (Kinh) và 5 ngôi chùa của cộng đồng người Hoa. Các chùa nổi tiếng gồm có chùa Âng, chùa Cò, chùa Hang...

Chùa Hang


Chùa Hang thuộc khóm 3, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, cách trung tâm thị xã Trà Vinh 5km về hướng nam. Là ngôi chùa Khmer cổ, toạ lạc trên mảnh đất rộng 10 ha, có nhiều cây cổ thụ và là nơi hội tụ của nhiều loại chim. Chùa Hang là một trong những chùa đẹp nhất ở tỉnh Trà Vinh.

Từ thị xã Trà Vinh đi 5km theo hướng nam (thuộc khóm 3, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) qua cống ngăn mặn Tầm Phương du khách sẽ đến chùa Hang. Khuôn viên chùa rộng, một nửa diện tích là rừng tự nhiên, cây cao rậm rạp, là nơi hội tụ của nhiều loài chim. Cổng chính hướng ra phía bờ sông, cổng phụ xây dựng vòm cuốn, tường rất dày. Hai bên cổng chính là hai tượng Yak to bằng người thật. Yak là chằn tinh, mắt lồi, nanh dài, mặc áo giáp, cầm gậy, rất hung ác nhưng được Phật cải hóa, cho làm bảo vệ.

Chùa Hang
Vai trò của chùa trong sóc (làng) rất quan trọng, nhà chùa đảm nhiệm phần giáo dục đạo đức và bảo tồn truyền thống văn hóa nghệ thuật. Thanh niên Miên có vài năm tu ở chùa mới kể như thành nhân, một điều kiện để dễ kiếm vợ. Trong khuôn viên chùa có trường học cho trẻ em rất qui mô. Trong chùa còn có khoảng hai chục nhà sàn nhỏ, mỗi nhà chỉ vừa đủ chỗ cho một người, là nơi để đàn ông Miên vào mỗi người một nhà, ở lại cả tháng để cầu nguyện và làm trong sạch linh hồn.


Du khách tham quan chùa Hang
Sân Chùa Hang trước kia có đàn dơi đông vô kể, Tết Mậu Thân (1968) một quả bom rơi trúng chùa, 62 người chết, 57 người bị thương, chùa hư hại nặng, đàn dơi khiếp đảm bay mất. Ngày nay đàn cò đã trở về cả ngàn con, mỗi chiều đậu trắng cây, có ngày chùa nhặt vài chục cò con, các sư nuôi cho cứng cáp rồi thả. Chỉ riêng đàn dơi là mất tích hẳn.

Chùa Âng
Chùa cách Trung tâm thị xã Trà Vinh 7km, ẩn mình trong rừng cây cổ thụ của ao Bà Om. Chùa toạ lạc trên khu đất rộng 4ha, thuộc phường 8, thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh Chùa Âng là một trong những ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Trà Vinh. Chùa có kiến trúc cổ, độc đáo, hài hoà trong cảnh sắc thiên nhiên. Chùa Âng đã được bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích văn hoá của quốc gia.

Chùa Âng là một trong những ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Trà Vinh. Chùa có kiến trúc cổ, độc đáo, hài hoà trong cảnh sắc thiên nhiên.

Chùa Âng
Cổng chùa được trang trí tượng chằn, tiên nữ, chim thần theo mô - típ truyền thống, chùa Âng có hào nước sâu bao bọc xung quanh và một tháp năm ngọn. Đây là nơi lưu giữ tro xương các vị trụ trì đã qua đời. Theo truyền thuyết, chùa Âng được xây dựng vào cuối thế kỷ 10. Nhưng qua sổ sách lưu lại, kể từ vị trụ trì đầu tiên, ngôi chùa có trước năm 1715, được trùng tu năm 1842.

Chùa Âng
Nền chùa Âng cao 2m gồm 2 bậc. Rộng nhất là ngôi chính điện, nơi tập trung các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu. Cửa chùa mở về hai hướng đông và tây. Bên ngoài, trên đầu sáu cây cột trước chính điện, có chạm khắc hình tiên nữ, chim thần. Mái chùa lợp ngói, có ba tầng, được chống đỡ bởi 12 cột bằng gỗ quý, mái trên cùng dốc và cao hơn hai mái kia. Mỗi đầu hồi được đóng kín bằng một tấm gỗ hình tam giác, chạm khắc hình vị chủ thiên đội mâm và hoa hướng dương tinh xảo. Các diềm mái có hình rồng cách điệu, đầu chúc xuống, thân soãi theo dốc mái. Các vẩy uốn cong ngược lên làm cho dáng mái chùa như cao hơn.

Bên trong chính điện là gian phòng thờ Phật Thích ca, cũng là nơi tiến hành các nghi thức tôn giáo của Phật giáo Nam tông. Bệ thờ Phật rộng gần 30m² gồm bốn bậc. Tượng Phật chính cao 2,1m. Xung quanh có 50 tượng Phật khác nhỏ hơn (bằng đá hoặc gỗ). Ba phía vách chính điện có hàng chục tranh vẽ cuộc đời đức Phật. Trần chính điện được trang trí bốn bức bích họa lớn theo chủ đề: Phật đản sinh, xuất gia, đắc đạo, nhập niết bàn.

Với ưu thế giao thông thuận lợi, chùa Âng lại nằm liền kề Nhà bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer và ao Bà Om, tạo thành một quần thể di tích thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Chùa Nôdol

Chùa Nôdol thuộc ấp Giồng Lớn, xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, cách thị xã Trà Vinh khoảng 40 km về phía nam.

Còn gọi là chùa Cò hay chùa Giồng Lớn. Đây là ngôi chùa cổ to lớn có nét kiến trúc đặc sắc của nền văn hoá Khmer ở Trà Vinh, bao gồm cổng chùa, ngôi chính điện, tháp đựng cốt, nhà tăng, nhà hội.

Chùa Nôdol

Khu vực chính điện với những mái uốn cong theo hình đuôi rồng, có những đỉnh tháp nhọn hình ngọn núi Xôme và những hình tượng quen thuộc như Riehu, thần 4 mặt Mohabrom, chim thần Kâyno, Mahaknốt... Chùa được bao bọc bởi những rặng tre, hàng cây sao, dầu. Người dân quen gọi là chùa Cò vì hơn một trăm năm nay khuôn viên chùa (khoảng 3 ha) đã là nơi cư trú của hàng ngàn con chim các loại như: cò, cồng cộc, bồ câu... trong đó đông nhất là họ nhà cò với rất nhiều loại: cò trắng, cò quắm, cò đầu đỏ, cò đầu vàng, cò mỏ vàng, cò mỏ đen...

Ngoài ra du khách còn được đắm chìm trong làn nước mát, được ngắm cảnh hoàng hôn trên biển hay bình minh vừa ló dạng, mắc võng nằm nghe rừng dương rì rào cùng gió biển... của biển Ba Động

Bãi biển Ba Động

Thuộc địa phận xã Trường Long Hoà, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 55km. Biển Ba Động được khai thác từ rất sớm. Trước đây, người Pháp đã cho xây trên bãi biển đẹp nhất của Trường Long Hòa một khu nghỉ mát để thường xuyên đến nghỉ và tắm biển.

Biển Ba Động đẹp bởi vẫn còn giữ được nét hoang sơ với cát trắng nước trong, không khí trong lành và yên tĩnh.

Bãi biển Ba Động

Nơi đây có những đụn cát "nhấp nhô", với những hàng phi lao xanh vút và bãi cát phẳng lì trải dài đầy hấp dẫn. Nhiều công trình, hạng mục, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư phục vụ cho việc khai thác tiềm năng du lịch ở biển Ba Động như cầu Long Toàn, Kinh Xáng, bãi Đồn, phà Láng Chim... thưởng thức nhiều loại sản vật đã trở thành đặc sản của vùng quê ven biển này như dưa hấu Ba Động, nghêu Nhà Mát, tôm sú Cồn Cù, đuôn Chà là, cá Kèo kho gợt – Chù ụ rang me, nước mắm Rươi....

Bãi biển Ba Động
 Đây là một trong những khu du lịch hấp dẫn ở các tỉnh miền Tây

Ao Bà Om

Ao Bà Om thuộc xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, nằm dọc theo quốc lộ 53, cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 7km về hướng tây nam. Ao Bà Om còn gọi là ao Vuông vì có hình vuông khá chuẩn, mỗi cạnh áng chừng 200m. Mặt nước ao trong và phẳng lặng.


Ao Bà Om
Ao Bà Om có hình chữ nhật với chiều dài 500 mét và chiều rộng 300 mét. Mặt ao phẳng lặng, trong xanh, soi bóng những hàng cây cổ thụ bao quanh. Trải qua bao mưa gió, bộ rễ của những cây cổ thụ xung quanh ao lồi lên trên mặt đất và được thiên nhiên tác tạo thành những hình thù lạ mắt.

Ao Bà Om
Ở đó du khách không đơn thuần chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên mà còn được cảm nhận rõ nét hơn những giá trị văn hoá đặc sắc của vùng đất Trà Vinh qua câu chuyện truyền thuyết mang đậm màu sắc Khmer Nam bộ…

Ao Bà Om mát mẻ, trong lành và yên tĩnh suốt cả ngày, không gian chỉ chợt xao động lên vào lúc chiều tà, khi những đàn cò bay về tìm chỗ ngủ.

Bên cạnh ao là ngôi chùa Âng, ngôi chùa Khmer cổ nhất Trà Vinh được xây dựng từ năm 990, và Bảo tàng văn hoá Khmer cũng được đặt ở đây. Quần thể “bộ ba”: ao Bà Om, chùa Âng và Bảo tàng văn hoá Khmer được xác định là địa điểm du lịch hàng đầu trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới.

Nụ cười Du lịch Việt Nam

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Du lịch Tiền Giang

Là tỉnh đồng bằng, địa hình Tiền Giang chia thành ba vùng rõ rệt: vùng cây trái ven sông Tiền, vùng Đồng Tháp Mười và vùng ven biển Gò Công với các địa điểm du lịch nổi tiếng như Cồn Thới Sơn, miệt vườn Cái Bè, chợ nổi Cái Bè, chùa Vĩnh tràng,….

Chợ nổi Cái Bè


Chợ nổi Cái Bè thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nằm ở đoạn sông Tiền Giang giáp gianh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Chợ Cái Bè là chợ đầu mối lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ. Chợ diễn ra trên sông, họp suốt ngày đêm trên quy mô lớn. Hàng hoá rất đa dạng, phong phú.

Chợ Cái Bè diễn ra trên sông, ghe thuyền đi lại như mắc cửi. Chợ họp suốt ngày đêm trên một quy mô lớn, có đủ các ghe thuyền từ miệt vườn xa xôi về đây bán hàng và mua hàng. Chính vì vậy mà hàng hóa ở chợ rất phong phú và đa dạng, từ hàng vái, đồ gia dụng cho đến hàng gia cầm, thủy hải sản… cho tới cả đồ ăn, thức uống cũng không thiếu.

Chợ nổi Cái Bè
Chợ nổi tiếng nhất là nơi trao đổi và là vựa trái cây lớn của tỉnh Tiền Giang, nổi tiếng nhất là trái cây chuyên canh của Tiền Giang như: vú sữa Lò Rèn, bưởi da xanh, khốm Tân Lập, cam, bưởi, quýt Cái Bè.

Chợ nổi Cái Bè
Khu bán gạo, cám thì nằm riêng biệt ở một khúc sông. Nét độc đáo của chợ nổi là ghe thuyền bán thứ gì thì treo thứ ấy lên đầu ngọn sào để người mua biết, không phải rao mời.

Khi mặt trời khuất sau rặng cây phía xa xa thì cũng là lúc “thành phố nổi” lên đèn. Ban đêm chợ nổi đèn đóm sáng trưng trông như sao sa. Có những chiếc ghe treo những chiếc đèn lồng nho nhỏ ở trước mũi thuyền trông thật sinh động.

Chợ nổi Cái Bè là một trong những điểm tham quan đặc sắc nhất ở Tiền Giang. Đây là một nét văn hóa rất đặc sắc ở các tỉnh miền Tây , thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài

Cù Lao Thới Sơn


Cù lao Thới Sơn nằm ở hạ lưu sông Tiền, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Cù lao Thới Sơn là một vùng trồng nhiều cây ăn trái. Sự hấp dẫn, quyến rũ của Thới Sơn ở chỗ đến mảnh đất này là lánh xa sự ồn ào, nhộn nhịp của phố phường.

Du khách đến Thới Sơn, xuống đò chèo xuôi theo những con rạch ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước rậm rạp hay những cây thủy liễu (bần) ven rạch nghiêng mình chào đón du khách. Nếu muốn tản bộ theo những con đường đá uốn lượn, băng qua những vườn cây trái xum xuê, bạn có dịp ngồi nghỉ trong những nhà vườn uống trà mật ong thơm ngọt và nghe đàn ca tài tử. Ðêm Thới Sơn thật huyền diệu với trăng thanh, gió mát, sóng nước mênh mang. Du khách có thể ngồi thuyền lướt nhẹ trên sông ngắm trăng lên, hoặc cùng bạn ngồi đối ẩm nghe giọng ca mượt mà, sâu lắng của thôn nữ.

Hàng thủ công ở Thới Sơn
Những ngôi nhà của người dân Thới Sơn vẫn giữ được nét cổ kính, xưa cũ. Trong nhà, cách bài trí cũng theo phong cách cổ với chiếc tủ thờ cẩn xà cừ lóng lánh, tràng kỷ chạm trổ tinh xảo, cùng với đôi liễn chạm câu đối sơn son thếp vàng... Xung quanh nhà là vườn cây cảnh với nhiều cây bonsai được trồng tỉa công phu

Lượng du khách đến với Thới Sơn ngày càng tăng, đặc biệt là du khách nước ngoài. Thới Sơn thu hút được du khách là nhờ có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo,đa dạng, mới lạ, phong cách phục vụ chu đáo. Thới Sơn là một trong nhiều điểm du lịch hấp dẫn ở Tiền Giang.

Miệt vườn Cái Bè

Miệt vườn Cái Bè nằm dọc theo bờ bắc của sông Tiền, thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Được bao bọc bởi nhiều kênh rạch nên Cái Bè quanh năm như đắm mình trong phù sa màu mỡ của miền châu thổ.

Miệt vườn Cái Bè

Trong những năm gần đây, Cái Bè không chỉ là vựa trái cây lớn vào bậc nhất ĐBSCL mà còn là điểm dừng chân tham quan của nhiều du khách quốc tế. Đặc biệt, từ khi cầu Mỹ Thuận được khai thông. Cái Bè như gặp vận hội mới để phát triển du lịch sinh thái vườn

Miệt vườn Cái Bè
Hiện nay, toàn huyện Cái Bè có gần 15.000ha vườn trồng cây ăn trái với nhiều chủng loại (chiếm hơn 1/3 diện tích cây ăn quả của Tiền Giang) như: sầu riêng tứ quý, sầu riêng sữa hạt lép có nguồn gốc từ Cái Mơn (Bến Tre), bưởi Năm Roi, giống được đem về từ Bình Minh (Vĩnh Long), bưởi đường núm, bưởi đường hồng, bưởi da láng... Nhãn thì nhãn long, nhãn tiêu da bò cho hai vụ trái/năm, cam có nhiều loại, nhưng cam sành và cam mật là hai giống cam ngon nhất. Đặc biệt là các loại nổi tiếng như: xoài cát Hoà Lộc, xoài bưởi, xoài thơm... và một số loại xoài ghép có mùi vị thật độc đáo như: xoài bưởi ghép, xoài sầu riêng ghép...

Các loại cây kiểng cổ thụ hàng trăm năm tuổi, giàn hoa lan với nhiều chủng loại về giống và màu sắc thật đẹp mắt, khu nhà ăn dùng cho khách đoàn, khách gia đình, có hồ câu cá, có những phòng ngủ ấm áp; có võng để du khách nằm nghỉ ngơi… Tất cả đều được chủ nhân bố trí một cách hài hòa, sử dụng chất liệu gỗ, mây, tre, lá… tạo nên một bức tranh mang đậm nét đặc trưng của vườn quê sông nước.

Khi đến tham quan những nhà vườn Cái Bè, được hòa mình vào nếp sinh hoạt của người dân nơi đây, du khách sẽ được thư giãn, hòa mình với thiên nhiên cảm nhận được tính cách, tâm lý của con người phương Nam để rồi sẽ có những cảm xúc và ấn tượng khó quên khi đã một lần đặt chân đến nơi này.

Chùa Vĩnh Tràng

Chùa Vĩnh Tràng thuộc xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Chùa Vĩnh Tràng là ngôi chùa thờ Phật lớn nhất tỉnh Tiền Giang, chùa mang dáng vẻ kiến trúc châu Á pha lẫn châu Âu.

Cổng chùa Vĩnh Tràng
Chùa do ông bà Bùi Công Ðạt xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 19. Ðến năm 1849, Hòa thượng Huệ Ðăng ở chùa Giác Lâm (Gia Ðịnh) về trụ trì đã tổ chức xây dựng thành ngôi đại tự và đặt tên chùa Vĩnh Tràng.

Bên trong cổng chùa Vĩnh Tràng
Chùa gồm có 5 lớp với 2 sân cảnh, 178 cột. Năm 1907, Hòa thượng Chánh Hậu đã cho trùng kiến ngôi chùa mang cả kiến trúc Angkor và kiến trúc châu Âu. Quanh chùa có nhiều mộ tháp của những vị sư đã trụ trì và được trang trí với các phiến đá chạm trổ công phu.

cổng sau chùa Vĩnh Tràng
Trong điện Phật có 60 pho tượng bằng gỗ quí, đặc biệt bộ tượng thập bát La Hán được tạc vào năm 1907 là đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Du lịch Sóc Trăng

Sóc Trăng nổi tiếng với hệ thống những ngôi chùa rất đẹp, có lịch sử lâu đời. Nhưng sẽ là thiếu nếu đến Sóc Trăng mà không làm một chuyến đến các cù lao có vườn cây xanh tốt, để được tắm mình trong không khí mát rượi, trong lành, được tận mắt tham quan vườn cây trái suốt bốn mùa.

Chùa Dơi


Chùa tọa lạc ở số 73B đường Lê Hồng Phong, phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, cách trung tâm thành phố khoảng 2km. Chùa Dơi là một ngôi chùa đẹp, thanh bình với thiên nhiên xanh, là nơi cư trú của hàng vạn con dơi quạ.

Đi Sóc Trăng, mọi người đều nhắc là phải vào chùa Dơi thăm quan. Chùa Dơi có nhiều tên khác nhau như là Mã Tộc, Mahatup. Với những người ưa khám phá, thì chùa Dơi luôn là điểm đến lý tưởng và với nhiều điều bí ẩn mà con người không thể lý giải được.

Chùa Dơi

Người Sóc Trăng gọi chùa Dơi là chùa Mã Tộc. Thượng tọa Kim Rêne, trụ trì đời thứ 19, nói: Chùa có tên chính thức là Mahatup. Những tên khác như chùa Dơi là được gắn với việc ở chùa có rất nhiều con dơi sinh sống. Chùa Đất sét là tên mà người ta đặt cho chùa bởi có nhiều pho tượng quý được tạc bằng chất liệu đất sét. Đã nhiều năm trôi qua, những pho tượng này vẫn còn vẹn nguyên giá trị nghệ thuật, tâm linh đối với người Khmer.

Chùa Dơi
Chùa gồm 3 công trình kiến trúc chính là chánh điện, Sala và nhà thờ cố lục cả Thạch Chia, người có công trong việc trùng tu lại ngôi chùa. Tất cả đều được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống Khmer ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Choạng vạng tối, dơi rủ nhau đi tìm thức ăn, bay đen kín cả một trời đến vài tiếng mới hết. Sáng ra, khoảng 4h sáng là chúng bắt đầu bay về và rải rác cho đến 7h. Thức ăn của dơi là trái cây ngọt. Dơi bay đi tìm thức ăn ở rất xa, quanh vùng đồng bằng sông Tiền, sông Hậu - nơi có miệt vườn với nhiều loại trái cây ngọt, thơm.

Chùa Đất Sét

Chùa tọa lạc tại 163A, đường Lương Đình Của, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Các tác phẩm tượng Phật, linh thú, đỉnh trầm, bảo tháp... được tạo ra từ đất sét, thoạt nhìn không ai có thể tin là thật. 

Cặp đèn cầy lớn bên đền thờ Bác Hồ
Chùa Đất Sét có tên chữ là Bửu Sơn tự. Nhìn bề ngoài nó giống như các ngôi nhà dân khác. Ngôi nhà không lớn, mái lợp tôn, vách ván, khung bằng gỗ dầu, gỗ đước. Gia đình họ Ngô lập am thờ này để tu tại gia qua nhiều đời, vì vậy chùa không có sư, chỉ có người trong gia đình quản lý.

Tượng phật thờ trên chùa
Bước vào bên trong, sau khi được giới thiệu tỷ mỷ ta mới cảm phục sức lao động bền bỉ, sáng tạo phi thường của ông Ngô Kim Tòng - người đã dồn hết sức lực trong suốt 42 năm dòng dã để tạo nên 1901 bức tượng Phật, trên 200 mẫu tượng thú, bảo tháp, lư hương... đều bằng đất sét.

Tượng phật che mắt

Chùa Đất Sét không chỉ nổi tiếng bởi các pho tượng làm bằng đất sét mà còn 8 cặp đèn cầy lớn, mỗi cây cao 2,6m, ngang 1m (chứa 200kg sáp), được dòng họ Ngô đúc năm 1940. Hiện nay hai đèn nhỏ cháy suốt ngày đêm từ khi ông Ngô Kim Tòng qua đời (ngày 18-7-1970 đến nay). Nếu cháy hết sáp phải vào cuối năm 2006. Bình quân mỗi cây đèn cháy suốt ngày đêm phải mất 70-80 năm. Hiện nay mỗi ngày chùa đón trên 200 du khách và phật tử đến tham quan. Và đây được xem là ngôi chùa độc nhất vô nhị ở Việt Nam vì có trên 10.000 tượng lớn nhỏ đều được làm từ đất sét, là địa chỉ thu hút du khách mỗi khi đến Sóc Trăng.

Khu du lịch Bình An


Khu du lịch Bình An nằm bên quốc lộ 1A, tại số 71, phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Khu du lịch Bình An với diện tích khoảng vài hécta là "bản sao" với quy mô nhỏ hơn công viên văn hoá Đầm Sen ở thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là điểm có nhiều hoạt động, dịch vụ: vui chơi giải trí, nhà hàng ăn uống, biểu diễn sân khấu, lưu trú... Hệ thống cây xanh, hoa trái, bể bơi, ao cá, đu quay... được bố trí hợp lý, hài hoà, gần gũi với thiên nhiên vừa yên tĩnh nhưng vẫn sinh động. Khu du lịch có thể đáp ứng nhu cầu và sở thích của nhiều lứa tuổi, nhiều đối tượng.

Khu du lịch Bình An
Qua cổng, phía sau sân khấu ta có thể nhìn thấy một trái núi nhân tạo cao khoảng ba bốn chục mét, trên đỉnh là bức tượng Phật Bà Quan Âm khá lớn. Dưới chân núi là ao cá; cây cối được trồng rất tự nhiên; những lối mòn len lỏi giữa những tảng đá to, nhỏ khấp khểnh mô phỏng lối mòn trên núi đá. Dây leo đeo bám cây cối rậm rịt. Trong lòng quả núi là một khách sạn mini. Cạnh trái núi là một ngôi biệt thự hai tầng, mô tuýp kiến trúc kết hợp kiểu Nga - Trung Đông. 

Khu du lịch Bình An
Nơi đây có thể tổ chức lễ cưới, dạ tiệc, vũ hội... Khu du lịch Bình An ra đời đã phá tan sự bình lặng vốn có của một thị xã mang đậm dấu ấn văn hoá Khmer ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Chợ nổi ngã năm


Chợ nổi Ngã Năm nằm tại thị trấn Ngã Năm, huyện Thanh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Chợ nổi Ngã Năm là giao điểm của năm con sông đi năm ngả: Cà Mau lên, Vĩnh Quới vào, Long Mỹ, Thanh Trị qua, Phụng Hiệp xuống. Ðây là một trong những chợ nổi có từ lâu và nhộn nhịp nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Từ mờ sáng, hàng trăm ghe xuồng đã tụ về họp chợ. Người ta bán đủ thứ từ trái cây, rau thịt, cá...cho đến hàng công nghệ, tiêu dùng. Những lời mời chào mang đậm đà chất Nam Bộ, tiếng nói cười rộn rã làm náo nhiệt cả một khúc sông. Thú vị nhất là khi được ngồi trên thuyền đong đưa theo sống nước, thưởng thức các món ăn được bày bán trên sông: bún nước lèo, mì, hủ tiếu, xôi...Khi mặt trời lên cao "qua khỏi ngọn dừa", cũng là lúc mọi người chuẩn bị quay về cho công việc đồng áng của một ngày mới.

Chợ nổ ngã năm
Ðến nay chợ nổi Ngã Năm vẫn giữ được nét sinh hoạt đặc trưng văn hoá của chợ nổi khu vực đồng bằng Nam Bộ. Chợ nổi Ngã Năm là một địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Du lịch Long An

Long An có nhiều di tích tiền sử và gần 100 di chỉ văn hóa Óc Eo được phát hiện, các di tích nổi tiếng như là Bình Tả, nhà Trăm Cột, chùa Tôn Thạnh. Ngoài ra du khách đến với du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười, sẽ được thưởng thức nhiều món ăn dân dã, và nét đặc trưng của người dân vùng lũ.

Ngôi nhà 100 cột

Ngôi nhà 100 cột tọa lạc tại vùng đất ven biển thuộc địa phận xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. : Được xây dựng vào những năm 1901-1903 bởi một nhóm thợ miền Trung, ngôi nhà 100 cột có kiểu thức thời Nguyễn, về đại thể mang dấu ấn rõ rệt của phong cách Huế.

Với diện tích 882m2, Nhà Trăm Cột tọa lạc trên một khu vườn rộng 4.044m2 ,chính diện quay về hưóng Tây Bắc. Nhà hoàn toàn bằng gỗ (cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật), mái lợp ngói âm dương, nền nhà bằng đá tảng cao 0,9m, mặt nền lát gạch Tàu lục giác. Nhìn trên bình đồ Nhà Trăm Cột có kiểu chữ quốc, 3 gian, 2 chái.

Ngôi nhà trăm cột

Toàn bộ hệ thống vì kèo, xuyên được chạm nổi, chạm lọng rất công phu các đề tài ''vân hóa long'', ''tứ thời'' kiểu ''dây lá hóa'' rất sắc sảo đặc trưng của Huế. Các gian nội tự và ngoại khách là nơi tập trung cao nhất giá trị thẩm mỹ của công trình mà người xưa đã gửi gấm trên từng nét chạm. Đó là một tập hợp đa dạng, phong phú các đề tài cổ điển như ''tứ linh'', ''tứ thời'','' bát quả'', các mô típ thể hiện Phúc - Lộc -Thọ bên cạnh các đề tài phương Tây như hoa hồng, sóc - nho, cùng các yếu tố Nam bộ như mãng cầu, bình bát, khế, măng cụt đã được các nghệ nhân thể hiện công phu trên các bao lam, các khung ô hộc, vách ngăn, vách lá gió, bàn thờ, ghế nghi, bàn tròn, bàn dài bằng kỹ thuật chạm lọng, chạm nổi, chạm bong kênh, chạm nổi trên nền chạm lọng hết sức điêu luyện và tài tình.

Nét đặc thù trong phong cách chạm gỗ ở đây là bên cạnh phong cách tả thực khéo léo, tỉ mỉ nặng tính sao chép, gò bó bởi những qui phạm phong kiến là phong cách cách điệu phóng khoáng với khối lượng lớn các đồ án dạng ''dây lá hóa'' đã tạo thêm sự phong phú, sinh động, gây xúc cảm cho người thưởng ngoạn. Gian ngoại khách ở ngôi nhà còn được tô điểm bởi các bức hoành phi, đối liễng, sơn son, thếp vàng, cẩn ốc xà cừ nói lên tư tưởng hướng đến cuộc sống an nhàn. Tất cả được bố cục, xử lý một cách hài hòa trong không gian kiến trúc làm toát lên nét trang nghiêm của một ngôi nhà thờ và cũng đầy tráng lệ của một công trình kiến trúc điêu khắc truyền thống.

Nhà trăm cột

Năm 1997, nhà 100 cột đã được Bộ Văn Hóa - Thông Tin xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc Gia (số 2890- VH/QĐ/ 27.09.1997).

Cụm di tích Bình Tả

Cụm di tích Bình Tả nằm tại ấp Bình Tả, xã Ðức Hoà Hạ, huyện Ðức Hoà, tỉnh Long An. Nằm trong một quần thể di tích từ thời tiền sử tới sơ sử được phân bố theo các trục lộ cổ và sông Vàm Cỏ Ðông, cụm di tích này thuộc nền văn hoá Óc Eo - Phù Nam có niên đại từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên.

Di tích Bình Tả

Có ba di tích trong cụm đã được khai quật: di tích Gò Năm Tước, Gò Xoài và Gò Ðồnđược phân bố trên một địa bàn tương đối gần nhau. Ðặc biệt trong bộ sưu tập 26 hiện vật bằng vàng phát hiện ở Gò Xoài có một bản bằng chữ Phạn cổ khắc trên một lá vàng mỏng ghi câu kinh Phật giáo. Nhiều hiện vật được khai quật tại đây có giá trị như các tượng thần Siva, thần giữ đền, tượng Vinu, các linh vật Linga, Yoni. Nhiều mảnh gốm mịn Óc Eo, mảnh kim loại, đá quí, sa thạch và hàng loạt di chỉ khác về con người từ thời tiền sử xung quanh ngôi đền, trong khoảng bán kính 10km đã được phát hiện.

Hiện vật được phát hiện ở Di tích Gò Xoài

Các kiến trúc được phát hiện tại cụm di tích Bình Tả là các đền thờ thần Siva, thuộc tôn giáo Bà La Môn, xuất hiện ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên được truyền bá mạnh mẽ vào miền Nam Ðông Dương từ đầu Công nguyên. Nằm trong một tổng thể di chỉ khảo cổ ở Ðồng Tháp Mười và vùng phù sa cổ Ðức Hoà (Long An), di tích Óc Eo - Bình Tả được xây dựng nhằm mục đích tôn giáo đồng thời cũng đóng vai trò là một trung tâm chính trị, văn hoá của Nhà nước Phù Nam - Chân Lạp thời cổ đại.

Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười


Ngược dòng sông Vàm Cỏ Tây, thuyền du lịch sẽ đưa du khách đến trung tâm Đồng Tháp Mười, vùng du lịchsinh thái đặc trưng của vùng đất trũng Nam Bộ, cách Tân An khoảng 50 km (31 miles) thuộc các huyện Mộc Hóa,Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa và Tân Thạnh.

Sông Vàm Cỏ Tây
Đến khu du lịch sinh thái này, du khách sẽ tận mắt nhìn thấy những cánh rừng tràm bạt ngàn, thoang thoảng hương thơm với từng đàn ong lượn quanh, những đầm sen rộng lớn với muôn ngàn đóa sen khoe sắc dưới ánh nắng. Ngoài ra còn có nhiều động vật quý hiếm đang được bảo vệ tại đây như cò, sếu, rắn, rùa, chim, thú. Đến với nơi đây du khách sẽ được tham quan khu du lịch sinh thái đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười ngập nước quanh năm.

Cá lóc nướng trui

Du thuyền dọc theo rừng tràm du khách có thể tận hưởng được toàn bộ khung cảnh hoang sơ của vùng Đồng Tháp Mười. Đặc biệt du khách có thể thưởng thức các món ăn Nam Bộ như canh chua bông điên điển, gỏi ngó sen, cá lóc nướng truy chấm muối ớt với vài ly rượu đế Gò Đen.

Chùa tôn Thạnh

Thuộc ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ðây là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An được xây dựng vào năm 1808.

Chùa Tôn Thạnh do Hoà thượng Viên Ngô khai sáng với tên là Lan Nhã.
Chùa Tôn Thạnh
Trong chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ có giá trị nghệ thuật mang phong cách thế kỷ 19. Ðặc biệt là pho tượng Bồ Tát Ðịa Tạng bằng đồng được đúc tại chùa. Trong khuôn viên chùa có tấm bia kỷ niệm nhà thơ Nguyễn Ðình Chiểu dựng vào năm 1973 và tháp Hoà thượng Thiên Ngộ.

Trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, chùa Tôn Thạnh ngày nay không còn nguyên vẹn cảnh ''rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng'' như xưa. Thay vào đó là một tổng thể kiến trúc bao gồm tiền điện, chánh điện, nhà giảng, đông lang, tây lang mái lợp ngói, tường gạch. Tuy nhiên chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng ở chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỷ XIX, và các hoành phi câu đối chữ hán sơn son thếp vàng. Bên phải chùa Tôn Thạnh hiện còn hai bia kỷ niệm được xây dựng vào năm 1973 và 1997 để lưu lại dấu tích của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Đến viếng chùa Tôn Thạnh, thăm lại một danh lam của đất Gia Định xưa, thắp nén nhang tưởng niệm trước bảo tháp của vị cao tăng Viên Ngộ và tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ngày nào đã từng ở nơi đây để viết nên những áng văn tuyệt tác, chắc hẳn chuyến tham quan của du khách sẽ rất thú vị và bổ ích.

Du lịch Kiên Giang

Thiên nhiên đã ưu đãi cho Kiên Giang nhiều danh lam thắng cảnh như "Non nước Hà Tiên", "Biển trời Phú Quốc". Địa danh Hà Tiên được đánh giá là nơi có nhiều cảnh đẹp với nhiều núi non hang động, chùa chiền, lăng mộ và nhiều hòn đảo gần xa.

Đảo Phú Quốc


Phú Quốc hay còn được mệnh danh là đảo Ngọc bởi sự giàu có của thiên nhiên và tiềm năng du lịch phong phú, một vùng đất lạ với những cánh rừng nguyên sinh (có nhiều loại gỗ quí) tập trung ở phía đông bắc đảo. Ngoài ra đảo Phú Quốc còn là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất nằm trong vịnh Thái Lan. Năm 2006 đảo này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Đảo Phú Quốc
Đảo Phú Quốc khổng chỉ là hòn đảo du lịch xinh đẹp vốn được mệnh danh là thiên đường rực nắng, mà nơi đây còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn mà không phải ai cũng có thể khám phá hết được.

Đảo Phú Quốc
Viền quanh đảo có nhiều bãi tắm đẹp như bãi Trường, bãi Kem, ghềnh Dầu,… với cát trắng, biển xanh trong và được bao quanh bởi những bờ biển trải dài, nên những bãi biển này rất vắng vẻ và yên tỉnh. Sự hoang sơ đã làm cho bãi biển nơi đây thật đặc biệt.

Đảo Phú Quốc
Sau những hành trình dài khám phá khắp nơi, khách du lịch phương xa thường tìm đến Phú Quốc để trốn cái ồn ào, ngột ngạt khi được đắm mình bên bờ biển xanh.

Du khách có thể tắm biển, tắm suối, tắm sông rồi leo núi, vào hang, lên rừng nơi có thể quan sát cuộc sống của các loài động vật hoang dã.

Những thắng cảnh ở Hà Tiên


Thị xã Hà Tiên cách thành phố Rạch Giá 90km đường bộ, được hình thành cách đây gần 300 năm mà tên tuổi của nó được gắn liền với dòng họ Mạc. Hà Tiên là nơi hội tụ của nhiều danh lam thắng cảnh, thiên nhiên hoang sơ đầy quyến rũ: có hang sâu, động hiểm, nhiều đảo đá trên biển; có sông, hồ, chùa, lăng tẩm và nhiều bãi tắm đẹp

Nơi đây có một ít hang sâu, động hiểm của Lạng Sơn. Có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long. Có một ít núi vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất, sơn môn của Hương Tích. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, lăng tẩm của Thuận Hóa. Có một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, có một ít Nha Trang, Long Hải. Ở đây không có một cảnh nào to lớn đầy đủ; Ở đây chỉ nhỏ nhắn xinh xinh, mà cảnh nào cũng có.

Mũi Nai Hà Tiên
Phân tích được điều đó, rồi mới biết vì sao, ai đến thăm Hà Tiên, thoạt nhìn, không thấy có cảnh nào đặc sắc, mà sao lòng cứ như lưu luyến để say lòng.

Bên cạnh thắng cảnh, Hà Tiên còn có những di tích lịch sử đáng chú ý. Lăng Mạc Cửu, chùa Phù Dung, đền thờ Nguyễn Trung Trực, chùa Tam Bảo, chùa Ông Bổn, chùa Quan Đế, chùa Bà Cửu Thiên...

Thạch Động là một tảng đá xanh khổng lồ cao hơn 80m hình mũ lông của kỹ mã ngự lâm quân mọc trơ trọi giữa một vùng toàn đất. Thạch Động còn được gọi là Thạch Động Thôn Vân (động đá nuốt mây) vì động ở độ cao 50m. Vào lúc sáng tinh mơ những tảng mây trắng xốp nhẹ như bông là là bay qua đỉnh động rồi bị cản. Mây dừng lại rồi từ từ tỏa quanh cửa động gây ấn tượng như miệng động đang nuốt mây.

Thạch động Hà Tiên
Phân tích được điều đó, rồi mới biết vì sao, ai đến thăm Hà Tiên, thoạt nhìn, không thấy có cảnh nào đặc sắc, mà sao lòng cứ như lưu luyến để say lòng.

Bên cạnh thắng cảnh, Hà Tiên còn có những di tích lịch sử đáng chú ý. Lăng Mạc Cửu, chùa Phù Dung, đền thờ Nguyễn Trung Trực, chùa Tam Bảo, chùa Ông Bổn, chùa Quan Đế, chùa Bà Cửu Thiên...

Thạch Động là một tảng đá xanh khổng lồ cao hơn 80m hình mũ lông của kỹ mã ngự lâm quân mọc trơ trọi giữa một vùng toàn đất. Thạch Động còn được gọi là Thạch Động Thôn Vân (động đá nuốt mây) vì động ở độ cao 50m. Vào lúc sáng tinh mơ những tảng mây trắng xốp nhẹ như bông là là bay qua đỉnh động rồi bị cản. Mây dừng lại rồi từ từ tỏa quanh cửa động gây ấn tượng như miệng động đang nuốt mây.

Lăng họ Mạc

Thắng cảnh chùa Hang – Hòn Phụ Tử

Chùa Hang và Hòn Phụ Tử đều nằm ở huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang, là 2 danh lam thắng cảnh hấp dẫn khách du lịch đến tham quan

Chùa Hang là ngôi “phật động” nằm trong ruột đá núi thâm u, mờ ảo. Nhiều thạch nhũ muôn hình muôn vẻ, các thạch nhũ khi ta sờ vào thì âm thanh ngân lên như tiếng chuông, thu hút sự tò mò và gợi trí tưởng tượng phong phú của du khách. Chùa Hang trông bên ngoài là một ngọn núi, nhưng bên trong lòng núi là một động đá vôi thẳng theo trục Đông Bắc- Tây Nam chiều dài hơn 50 mét, cửa đông nhìn ra biển. Đây là một động đá do thiên nhiên tạo nên hết sức độc đáo, động cao như mái nhà, chiều dài hơn 40 mét nằm trong hang sâu khiến ánh sáng thâm u, mờ ảo. Trước cổng đi vào chùa, thờ tượng Phật Di Lạc bằng đá Non Nước (Đà Nẵng) nặng 22 tấn. Khách hành hương vào chánh điện, đi sâu vào hang ở giữa chánh điện thờ 2 tượng Phật Thích Ca. Chùa Hang là nơi tôn nghiêm, thắng cảnh lịch sử Kiên Giang nên ngày nào cũng có du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái, đông nhất là những ngày lễ hội vía bà.

Từ lâu, hòn Phụ Tử được xem là biểu tượng cho cảnh đẹp Kiên Giang. Đó là hai trụ đá cao nghiêng nghiêng cùng một chiều tượng trưng cho hình hai cha con quấn quýt bên nhau trông ra biển cả.

Hòn Phụ Tử
Theo truyền thuyết, xưa kia ở vùng biển này có con thuồng luồng rất hung dữ, hay đánh đắm thuyền bè để ăn thịt ngư dân. Bên chân ngọn An Hải Sơn, cạnh chùa Hang, có hai cha con làm nghề chài lưới. Quá bất bình trước tình cảnh này, người cha quyết lòng tiêu diệt con ác thú trừ hại cho bà con. Sau khi tính hết kế, cuối cùng ông thấy chỉ còn cách hy sinh thân mình mới mong giết được con thuồng luồng này.

Thế là ông liền tẩm thuốc độc vào mình, nằm sát mé biển để dụ con ác thú. Thấy mồi ngon, con thuồng luồng đến cắn đứt đầu ông, trúng độc rồi chết. Người con đi tìm cha, bắt gặp xác cha cụt đầu liền ôm lấy khóc thương thảm thiết. Không ngờ chất độc từ người cha thấm qua khiến người con trúng độc rồi chết. Trời nổi giông bão, mưa suốt mấy ngày liền. Và nơi hai cha con nằm mọc lên hai hòn đá lớn và nhỏ. Hòn to là cha và hòn nhỏ là con, người ta gọi là hòn Phụ Tử. Hai bên hòn Phụ Tử là hai hòn đảo có hình dáng giống như một con thỏ quỳ hai chân sau để giỡn với sóng biển và một con rùa. Thiên nhiên đã tạo nên một cảnh quan thật kỳ lạ khéo léo. Chắc chắn rằng ai đã đến hòn Phụ Tử thì không thể quên được cảnh non nước hữu tình.

Du lịch Hậu Giang

Hậu Giang được tách ra từ Cần Thơ cũ, vì thế cũng là trung tâm giao thương của các tỉnh miền tây. Hậu Giang cũng được biết đến với những địa điểm du lịch nổi tiếng như là chợ nổi Phụng Hiệp, di tích Long Mỹ.

Chợ nổi Phụng Hiệp

Chợ nổi Phụng Hiệp còn gọi là chợ Ngã Bảy, là một chợ nổi thuộc thị xã Ngã Bảy, là khu chợ nổi tiếng nhất của tỉnh Hậu Giang, nơi đây diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân miền sông nước. Nơi đây không chỉ là nơi buôn bán hàng hóa mà còn là địa điểm thu hút khách du lịch.

Chợ nổi Phụng Hiệp
Mênh mông chợ nổi ngã bảy Phụng Hiệp. Ở đây mặt sông mênh mông rẽ về 7 ngả. Từ các ngả, thuyền bè tấp nập tụ về đây. Chợ ở trên mặt đất có những thứ gì, thì chợ nổi ngã 7 cũng đủ những mặt hàng mà người dân cần, từ cái kim sợi chỉ cho đến quần áo, thức ăn, rượu thịt... còn các loại trái cây thì nhiều vô kể. Từ chợ nổi, du khách sẽ được cập bến để lên chợ rắn. Cái tên chợ rắn Phụng Hiệp cũng đã rất quen thuộc với du khách quốc tế. Đến tham quan chợ rắn, du khách sẽ được mời uống rượu rắn và được xem những màn biểu diễn múa rắn rất mạo hiểm. Chợ Phụng Hiệp quanh năm có rắn, rùa, chim, sóc, kỳ đà … phục vụ du khách.

Chợ nổi Phụng Hiệp
Đây là khu chợ nổi độc đáo của thế giới, giữa mênh mông trời nước, hàng trăm cái cột nhấp nhô, tụ về một mối, thật kỳ ảo. Chợ nổi Phụng Hiệp đẹp và sôi động.

Di tích Long Mỹ

Di tích Long Mỹ thuộc huyện Long Mỹ, nằm cách thị xã Vị Thanh khoảng 28km. Long Mỹ là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Hậu Giang và khu Tây Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Di tích Long Mỹ
Đến với Long Mỹ, du khách sẽ được ghé thăm khu đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm do Đảng bộ và quân dân Long Mỹ lập nên từ năm 1969 khi Bác mất. Đền thờ nay đã được trùng tu khang trang hơn với nhiều hàng rào, đền chính, trên một khu đất rộng 1 ha. Hàng năm vào ngày 19/5 và 2/9 đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến đây tham quan, tưởng niệm. Ngoài ra Long Mỹ còn có khu “di tích chiến thắng 75 tiểu đoàn ngụy”, tại xã Vĩnh Viễn, đây là công trình giúp khách tham quan tìm về quá khứ oanh liệt của cha ông ngày trước. Trong khu di tích còn có rất nhiều khu chơi, giải trí đang ngày càng hoàn thiện để thu hút nhiều du khách đến đây hơn nữa.

Đến với Long Mỹ, ngoài việc tham quan các khu di tích, khách du lịch còn được ngắm nhìn những chú cò cùng những loài chim độc đáo đặc trưng của miền sông nước miền Nam. Đây là khu vườn cò độc đáo nhất của tỉnh Hậu Giang với hàng chục ngàn con cò các loại cùng hàng chục loài chim…một nơi còn nguyên nét nguyên sơ vốn có. Bạn sẽ cảm thấy tâm hồn mình thanh thản lạ thường khi nhắm mắt lại, lắng nghe bản hòa tấu của những loại chim hoang dã……Tại đây, khách tham quan còn được thưởng thức trái cây mới hái tại vườn, ngắm nhìn ánh nắng chiều le lói qua những tán cây cùng từng đàn chim sải cánh bay về tổ….Thật đúng là một nơi yên bình cách xa những ồn ào, náo nhiệt nơi thành phố đầy những lo toan, bộn bề.

Di tích Long Mỹ là một điểm du lịch sinh thái, văn hóa hấp dẫn tại Hậu Giang. Nơi đây đang được nhiều du khác biết đến và ghé thăm để có một chuyến du lịch thú vị và hấp dẫn. Du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác thanh thản, yên bình của một tỉnh thuộc miền sông nước.

Khu di tích căn cứ tỉnh ủy

Khu căn cứ Tỉnh ủy còn gọi là căn cứ Bà Bái, nằm ở địa phận ấp Phương Quới, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Toàn bộ khu di tích được xây dựng trên khoảng đất vườn rộng 6ha, được bao bọc bởi bốn chiến hào: kênh Xáng, Lái Hiếu (phía đông nam), kênh Cả Cường (phía đông bắc), kênh cũ (phía tây bắc) và kênh Bà Bái (phía tây nam)

Cổng khu căn cứ tỉnh ủy
Lối dẫn vào khu căn cứ tỉnh ủy là một con đường nhỏ rợp bóng, ánh nắng mặt trời nhuộm thêm cho cảnh vật một màu vàng thi vị….Trước kia, đây là nơi ngăn chặn các cuộc càng quét, đánh phá, bao vây của địch rất có hiệu quả. Những tán cây rậm rạp như giúp che phủ cho người lính trẻ dũng cảm. Hiện nay, đây là nơi tham quan của rất nhiều du khách, cũng như các bạn học sinh, sinh viên-giới trẻ ngày nay học tập truyền thống bất khuất kiên cường của cha ông ta thời trước.

Căn cứ tỉnh ủy
Khu di tích bao gồm: hội trường, nơi diễn ra các cuộc hội nghị quan trọng của tỉnh ủy Cần Thơ, rộng 151m2, được làm từ các vật liệu chính là: tràm, đước, sắn và mù u... Bên trong hội trường là văn phòng làm việc của ban thường vụ và đồng chí Bí thư. Nay, khi đất nước đã thanh bình, hội trường trở thành nơi trưng bày hiện vật, hình ảnh ghi lại những phút giây hoạt động của cha ông ta. Vào đây, ta có cảm giác như được ngược dòng thời gian, về với những trang lịch sử anh hùng của vùng đất này. Đó là những hình ảnh buổi lễ kết nghĩa trung đoàn U Minh, vài đạn pháo lép từ các đồn bót địch bắn vào, những trái gạt gài bảo vệ chung quanh khu căn cứ